Chị Linh Nguyen (TPHCM) phát hiện mắc ung thư cổ tử cung vào năm 2019. Câu chuyện chị chia sẻ về hành trình đi Singapore chữa ung thư mang lại rất nhiều thông tin giá trị. Hiện nay chị Linh Nguyen vẫn đang có sức khỏe tốt.
Toàn văn nội dung chia sẻ của chị Linh Nguyen (tiêu đề và phần giới thiệu được viết lại. Nội dung bài chia sẻ được giữ nguyên văn, chỉ sửa một vài lỗi chính tả):
Xin chào mọi người, có lẽ câu chuyện của mình sẽ giúp được nhiều người. Chính vì vậy mình sẽ kể lại thật tóm tắt & đầy đủ để mọi người có nhu cầu quan tâm sẽ chủ động hơn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe bản thân & cho chính người thân của các bạn.
Tháng 7-8/2018 mình thấy có dấu hiệu bất thường trong chu kì kinh nguyệt (không đều, có rất ít). Tháng 9/2018 Mình đi khám phụ khoa ở khoa dịch vụ bệnh viện phụ sản Từ Dũ.
Bạn hãy đặt trước qua (028)1081 để nhận lịch khám dịch vụ. Bạn hãy chọn dịch vụ khám nhanh hoặc khám VIP để đỡ mất thời gian (đương nhiên phí khám & các chi phí xét nghiệm khác liên quan sẽ mắc hơn khi khám thường).
Mình yêu cầu thử PAP & khám phụ khoa, xét nghiệm, thử máu các bệnh lây lan qua đường tình dục khác. Mỗi năm mình đều phải làm xét nghiệm thử PAP 1 lần nhé mọi người!
Ở đây bác sĩ tư vấn mình nên làm thêm xét nghiệm HPV (Xét nghiệm HPV giúp kiểm tra phát hiện sự hiện diện của virus u nhú ở người, đây là một xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, áp dụng cho phụ nữ (không áp dụng cho nam giới).
Thử PAP ở VN thường 1 tuần tới 15 ngày có kết quả (có lẽ vì nhiều bệnh nhân nên quá tải)
Tháng 10/2018. Mình lấy kết quả thử PAP (do quên & cũng không có dấu hiệu gì bất thường). Bác sĩ đọc kết quả báo rằng mình đã mắc 1 con virus số 18 (ở kết quả xét nghiệm HPV).
Người đọc kết quả có nói mình: Em nên đi tư vấn bác sĩ để có hướng tầm soát, điều trị sớm, vì tuy kết quả thử PAP không vấn đề có thể em chưa bị ung thư nhưng khả năng tiến triển thành ung thư rất cao do đã nhiễm virus HPV 18.
Lúc này thì mình cũng hơi hoang mang, vẫn chưa hiểu lắm những rõ ràng là hiểu mình có khả năng, có thể bị ung thư tử cung.
Mình điện thoại kêu cô em đón về quán, nó hỏi kết quả sao, mình trả lời : “Có thể chị bị ung thư đấy Xuyên...”. Cả 2 chị em im lặng.
- Nó hỏi lại mình trong lo sợ :”Mà người ta nói sao chị?”
- Người ta chưa nói gì, mình xét nghiệm ra mình có khả năng mắc ung thư tới 96%, ko sớm thì muộn, hoặc có thể đã bị rồi, là mình xét nghiệm ra như vậy – gọi là tầm soát phát hiện ung thư sớm đó.
Ngay lập tức mình nghĩ tới em gái Nguyễn Diễm My, người đã cùng mình vượt qua những ngày tháng chữa bệnh cho mẹ, nó sẽ hiểu phải làm gì bây giờ. Và thế là, về gặp ngay nó, báo tin, cùng tìm kiếm tất cả thông tin liên quan tới virus HPV & nguy cơ.
Tại sao lại nhiễm virus HPV? Đó là câu hỏi của mình & có lẽ cũng rất nhiều người. Và lý do là chả có gì chắc chắn cả. Vấn đề là phần lớn chúng ta đều mắc virus này nhưng nó là loại nào & gần như trong cơ thể mỗi người đều đã có tiềm ẩn sẵn loại virus này.
Khi mắc virus HPV, đầu tiên bạn sẽ được chỉ định :
Sau khi tìm kiếm & thu thập hết thông tin liên quan, 2 chị em quyết định đi khám & tư vấn ở Từ Dũ.
Và đầu tháng 10/2018 mình đã soi tử cung tại Từ Dũ, ngay lúc đó bác sĩ thấy dấu hiệu bất thường & đã yêu cầu lấy sinh thiết 2 múi giờ số 6 & 11. Ngay sau khi lấy sinh thiết, mình ra về rất khó chịu & ra máu ít liền 1-2 ngày sau.
Bác sĩ có dặn mình nếu kết quả bất thường, sẽ có người điện thoại cho mình vào để tiếp tục khám & điều trị. Nếu không gọi thì là ko vấn đề gì thì cứ đúng 15 ngày tới lấy kết quả.
Đúng 15 ngày, không thấy ai gọi, mình đã mừng thầm, chắc là không sao rồi. Nhưng vẫn theo thủ tục tới nhận kết quả cho có lệ. Sáng đó, mình cũng chỉ định ghé lấy kết quả rồi đi ăn mừng đấy chứ! Thế mà khi lên nhận kết quả bác sĩ giữ lại bệnh án của mình do kết quả xấu, tức là trong 1 danh sách nhiều người cùng thử thì tên mình bị báo đỏ (có dấu hiệu bất thường). Ngay lập tức bác sĩ ở khoa dịch vụ chuyển mình sang khoa soi cổ tử cung của bệnh viện Từ Dũ (không phải khoa dịch vụ nữa).
Ở đây các bác sĩ có giải thích, từ nay em là bệnh nhân của khoa này & như theo các xét nghiệm & kết quả sinh thiết cho thấy em đã ở giai đoạn tiền ung thư giai đoạn 2 (CIN2). Do vậy em sẽ cần soi lại tử cung để các bác sĩ có phương án điều trị & phòng ngừa ung thư.
Thật ra mình cũng ko có gì ngạc nhiên hết, vì dù sao mình cũng chuẩn bị tâm lý từ lúc mẹ bệnh rằng rất có thể 1 ngày, con gái lớn của mẹ sẽ di truyền gen bệnh của mẹ tới 70%. Cho nên việc của mình là thật bình tĩnh tìm phương án điều trị, tìm bác sĩ, bệnh viện tốt nhất để chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp tới.
Vậy là 2 chị em lại tiếp tục tìm hiểu, mình quyết định đi bệnh viện Singapore chữa ung thư để khám & xét nghiệm lại toàn bộ.
Bác sĩ khám & chữa bệnh cho mẹ hơn 4 năm qua là Ben, đã giới thiệu cho mình 1 bác sĩ giỏi tại Singapore chuyên khoa phụ sản. Sau khi hẹn được lịch khám (nếu không nhờ Ben thì đúng lịch tự đặt sẽ là tháng 1/2019 mới được gặp Dr Chia).
Khi chữa ung thư tại singapore, mình thấy y tế của Singapore có lẽ không thể chê gì nữa về chất lượng ngoại trừ giá cả. Thực sự là giá rất mắc so với những ca tương tự ở Việt Nam. Nhưng mà có lẽ, sự an tâm & thoải mái từ mọi thứ - con người, cơ sở vật chất, sự chăm sóc... tất cả khiến mình không bao giờ quên.
Có lẽ 15 phút khám tư vấn giá 200$ Singapore nên là mọi thứ đều rõ ràng & thông tỏ cả trong 15 phút. Mình biết mình đang bị sao, sẽ & cần làm gì trong thời gian tới? Khi điều trị xong thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn là bao nhiêu %, sức khỏe & chất lượng cuộc sống như thế nào sau khi điều trị? Phòng ngừa như thế nào? Biến chứng ra sao? Tất cả đều được rõ tường khiến cho mình rất thoải mái tâm lý.
Tháng 12/2018, ở Singapore mình đã làm lại xét nghiệm PAP, xét nghiệm HPV & soi tử cung đồng thời sinh thiết lại các phần bất thường ở Việt Nam đã làm, sinh thiết thêm 2 múi giờ khác có tổn thương. Đặc biệt là sau khi soi, lấy sinh thiết không hề có cảm giác đau, không khó chịu, không ra máu, thậm chí không hề có cảm nhận vừa mới khám phụ khoa.
Bác sĩ bên này họ cũng ưu tiên cho bệnh nhân Việt Nam qua không có thời gian, điều kiện ở lại lâu nên ngay hôm sau mình đã có kết quả thử PAP. Ngày kế tiếp thì có kết quả HPV. Ở kết quả xét nghiệm HPV (ở Singapore) thì mình đang ở giai đoạn CIN1. Kết quả PAP bình thường.
Do vậy bác sĩ đã yêu cầu làm phẫu thuật ngay. Phẫu thuật này được gọi là khoét chóp tử cung (Leep). Phẫu thuật này nhằm loại bỏ hết phần tổn thương & ngăn chặn 95% nguy cơ tiến triển thành ung thư của virus HPV (trong điều kiện cơ thể sức đề kháng tốt)
Và mình đã tiến hành phẫu thuật tại bệnh viện Gleneagles (bệnh viện này thuộc Parkway Health).
Ca phẫu thuật diễn ra trong 45 phút. Tổng thời gian gây mê, hậu phẫu khoảng 3 tiếng gì đó. Nhưng sau khi mổ có lẽ 30 phút sau mình tỉnh dậy.
Mọi người hỏi có đau không? Thì không đau gì cả (vì chỉ đau túi thôi) kể cả khi tỉnh dậy, cũng không ra máu gì hết sau nhiều ngày sau. Vì gây mê mà, trước khi gây mê bác sĩ hỏi mình vài câu rồi nói "an tâm nhé, ngủ đi, khi tỉnh dậy mày sẽ khỏe mạnh thôi!" & rồi mình chìm đi.
Khi tỉnh dậy, mình được phục vụ ăn uống bình thường. Và quan trọng nhất tối đó mình có đi uống rượu sake với Ben.
Ben nói cứ uống đi không sao đâu & thế là mình uống thôi ý
Ben bảo không cho mày uống có khi mày bệnh nặng hơn!!!
Bạn thật là hiểu ý mình!!
Ngay hôm sau mình về Việt Nam, mình không hề có cảm giác đã từng phẫu thuật. Tất cả mọi thứ đều bình thường tới mức mình không thể cảm nhận đã từng bị mổ xẻ gì cơ chứ!
Vậy nên mình đã chạy bộ sau 2 tuần & bị băng huyết do chạy & hoạt động mạnh.
Lúc này không còn cách nào mình được đưa vào cấp cứu trong Từ Dũ. Ở đây bác sĩ gần như không muốn khám chữa cho mình vì do... mình đã đi khám ở Singapore.
Sáng đó gặp tổng cộng 3 bác sĩ khám, lần lượt là bác sĩ khám, bác sĩ siêu âm, bác sĩ soi tử cung, phụ tá mỗi người đều hỏi những câu như sau: “Bị sao mà khám? Sao không đi Singapore chữa bệnh ung thư để khám lại em?”
Ghi chú: Đoạn này người viết có nêu một số thông tin về bệnh viện Từ Dũ. Bạn có thể tham khảo bài viết trên facebook của chị Linh Nguyen TẠI ĐÂY để có đánh giá đa chiều, khách quan nhất.
May có chị y tá quen dẫn vô cố gắng năn nỉ thôi bác sĩ giúp cho thì mới ngưng hỏi & quát mình làm theo. Thấy máu xối ra mới gào lên kêu mang thuốc cầm máu chích gấp 1 ống gì đó vô người mình. Sau đó tiến hành thủ thuật đốt cầm máu tử cung.
Mình được đẩy ra ngoài nằm, bác sĩ yêu cầu nằm theo dõi 2 tiếng rồi về. Người lạnh như hòn đá, đắp mấy cái áo người vẫn lạnh toát do mất máu, không đứng dậy nổi vì đau. Khi về nhà mình ngủ mê man liền 4-5 tiếng không biết gì & đi lại rất sợ, rất khó chịu nhưng máu thì không còn ra nữa.
Mình được chỉ định sau 1 tháng quay lại tái khám. Nhưng mọi người nghĩ mình có dám quay lại khám không? Lại hỏi kiểu đó thì ai mà dám khám. Y hệt những câu hỏi mà bác sĩ ở Chợ Rẫy hỏi mẹ khi mẹ đã điều trị ung thư ở Singapore rồi về Việt Nam khám.
Mình viết những điều này, với mong muốn phụ nữ chúng ta cần quan tâm hơn tới sức khỏe bản thân, khám định kì để phát hiện bệnh sớm, điều trị sẽ dễ dàng & không để lại nhiều biến chứng hậu quả như khi đã nặng.
Thực sự cảm ơn trời đất đã cho mình phát hiện ra bệnh từ lúc còn rất sớm để điều trị & xử lý kịp thời, vì 13/3/2019 vừa xong mình đã qua tái khám lại ở Singapore & được biết phần khoét chóp tử cung được mang đi xét nghiệm của mình đã ở giai đoạn tiền ung thư 3 (CIN3) – nghĩa là chỉ trong 3 tháng (từ T9 – tháng 12) nó đã tiến triển thành CIN3.
Và bây giờ sau khi tái khám, cơ thể mình đã hoàn toàn khỏe mạnh, ít nhất là ngay bây giờ. Mình được bác sĩ Chia kê thuốc uống tăng sức đề kháng. Do thủ thuật khoét chóp (loop cone) chỉ triệt tiêu được 95% khả năng phát triển thành ung thư, 5% còn lại vẫn là do sức đề kháng của cơ thể trước virus HPV nên phải uống để đảm bảo cơ thể không còn virus nữa. Sau 6 tháng khám lại mà sạch virus thì mỗi nửa năm trong vòng 2 năm phải đi khám 1 lần. Nếu trong 2 năm không vấn đề gì thì 1 năm mới phải đi khám định kỳ lại.
Thế nên ngủ sớm, ăn sạch, tập gym để tăng sức đề kháng là cực quan trọng nhé.
Sau mỗi 6 tháng mình sẽ tiến hành xét nghiệm lại để tầm soát & kiểm tra. Vết mổ cũng rất tốt & sẽ tái khám lại vào tháng 9/2019 này. Nói chung hiện tại cơ thể mình bình thường, khỏe mạnh.
Phụ nữ hiện đại ngày nay hay hô hào sống cho bản thân, sống cho chính mình. Nhưng cách mà sống cho chính mình như thế nào thì có vẻ như nhiều người còn lầm lẫn (chính mình cũng đã từng vậy).
Chả phải sống cho chính mình là mặc kệ cảm xúc của người khác chỉ quan tâm cảm xúc chính mình, hay ích kỉ rồi biện hộ là sống cho bản thân đâu. Sống cho chính mình là sống khỏe mạnh, có trách nhiệm với chính bản thân mà không để bất cứ ai phải lo lắng, buồn phiền về mình. Tự mình có thể làm được mọi điều mình muốn, mình thích, tự mình giải quyết được các vấn đề hữu sự trong cuộc sống của mình mà ko để ảnh hưởng hệ lụy tới người khác, không phụ thuộc và bất cứ ai. Đủ khả năng chăm lo, quan tâm & chăm sóc được những người thân yêu mà mình muốn nữa... Mà muốn sống được cho chính mình, làm đc những điều đó thì phải mạnh khỏe trước đã!
1- Chọn 1 bệnh viện, phòng khám tin cậy, uy tín, có bác sĩ đầu ngành về các bệnh mình cần quan tâm
2- Xét nghiệm PAP 1 lần/năm đồng thời xét nghiệm HPV (đối với cổ tử cung)
3- Khi mắc bệnh thì cứ bình tĩnh mà giải quyết, chuyện gì cũng giải quyết được hết chỉ cần mình bình tĩnh & cố gắng. Đừng khóc rống lên & hoảng loạn rồi trao hết số phận mình và 1 phòng khám hay 1 bệnh viện mà phải đi khám lại 1 vài nơi cho chắc chắn.
4- Cứ sống bình thường, bệnh từ tâm mà ra. Mình thấy mình là bình thường thì mình sẽ khỏe mạnh cả thôi.
5- Phòng bệnh, chữa bệnh là công việc cả đời không phải 1 tháng hay 2 tháng vì thế mà thói quen sống & ăn uống rất quan trọng. Cần thay đổi ngay lập tức nếu có bệnh!
6 - Và đừng quên mua bảo hiểm y tế ngay lập tức nhé mọi người! Cực kì quan trọng đấy!
(Mình xin edit lại là bảo hiểm y tế - sức khoẻ nha mọi người, ko phải bảo hiểm nhân thọ ạ - Bảo hiểm nhân thọ là tuỳ mỗi người tham gia, còn mình cần có bảo hiểm sức khoẻ nhé!)
Tất cả chúng ta hãy khỏe mạnh nhé!!!
NGUYÊN VĂN NỘI DUNG CHIA SẺ CỦA CHỊ LINH NGUYEN: XEM TẠI ĐÂY